Thời trẻ Đường_Túc_Tông

Chào đời gian nan

Đường Túc Tông bổn danh Lý Tự Thăng (李嗣升), chào đời vào ngày Ất Hợi năm Cảnh Vân thứ hai đời ông nội Đường Duệ Tông (tức 21 tháng 2 năm 711). Khi đó, cha ông là Lý Long Cơ vẫn còn là Hoàng thái tử. Lý Tự Thăng là người con trai thứ ba của Lý Long Cơ, sau hai anh là Lý Tự ThiểmLý Tự Khâm. Mẹ ông là Dương Quý tần, xuất thân từ Hoằng Nông Dương thị, một gia tộc danh giá có nguồn gốc Thiểm Tây, nhánh của hoàng tộc nhà Tùy và là họ mẹ của Võ Tắc Thiên. Vào thời điểm đó, gia tộc họ Dương tuy đã rút khỏi chính trường nhưng vẫn giữ được một thế lực nhất định. Ông nội của Dương thị, tức cụ ngoại của Lý Tự Thăng, là Dương Sĩ Đạt, một đại thần trong triều đình, được ban tước vị là Trịnh vương. Sang đời tiếp theo, tức ông ngoại của Tự Thăng, là Dương Tri Khánh cũng được bổ làm Túc vệ trong cung, do đó Lý Tự Thăng mang trong mình dòng máu của cả hai triều đại Tùy - Đường.

Vào lúc mẹ Tự Thăng là Dương Quý tần có mang, Lý Long Cơ đang bị lép vế trong cuộc đấu tranh chính trị với người cô ruột là Trấn Quốc Thái Bình trưởng công chúa. Thấy mình liên tục bị công chúa hãm hại, nên khi thấy Dương thị có mang, Lý Long Cơ không hài lòng vì nghĩ rằng việc mình có quá nhiều con có thể trở thành lý do cho Trưởng công chúa Thái Bình vu khống, nên Lý Long Cơ chuẩn bị một thang thuốc bỏ thai, dự định sẽ kết liễu tiểu hoàng tôn ngay khi chưa chào đời. Tuy nhiên sau đó Lý Long Cơ lại do dự, rồi còn mộng thấy một vị tiên nhân đến cướp lấy thang thuốc, sau đó lại có đại thần Trương Duyệt lên tiếng xin giữ lại long duệ, nên Long Cơ nghĩ rằng ý trời muốn cho đứa bé ra đời, bèn bỏ ý định. Do đó sau này, Túc Tông rất cảm kích Trương Duyệt, sau này gả em gái cho con trai ông.

Thời kỳ Thân vương

Năm sau (712), Lý Long Cơ được Đường Duệ Tông truyền ngôi, tức Đường Huyền Tông hay Đường Huyền Tông[8][9]. Khi đó, Thượng hoàng Duệ Tông vẫn còn nắm quyền, đã ra lệnh phong Lý Tự Thăng làm Thiểm vương (陝王). Sang năm 715, Lý Tự Thăng được vua cha phong chức An Tây đại đô hộ, rồi lại thăng Hà Tây tứ trấn chư Phiên lạc đại sứ. Cựu Đường thư miêu tả ông là người thông minh, nhân ái và hiếu học, nên rất được vua cha yêu quý.

Đầu năm 727, Lý Tự Thăng được đổi phong làm Trung vương (忠王), đổi tên là Lý Tuấn (李浚). Tháng 5 ÂL cùng năm, Lý Tuấn được phong làm Sóc Phương đại sứ, Thiền Vu đại đô hộ. Năm 728, mẹ ông là Dương Quý tần qua đời[10]. Sang năm 729, khi quân đội hai nước HềKhiết Đan kéo sang xâm phạm biên cương, Lý Tuấn được Đường Huyền Tông phong làm Hà Bắc đạo nguyên soái, cùng Tín An vương Lý Y làm phó, dẫn quân dẹp giặc.

Lúc dẫn quân ra đi, Lý Tuấn triều kiến Huyền Tông ở Quang Thuận Môn, và nhân đó được gặp một số nhân vật quan trọng trong triều. Tả thừa tướng Trương Thuyết cùng học sĩ Tôn Thích, Vi Thuật sau lần gặp gỡ Lý Tuấn, đã đánh giá ông có dung mạo giống với Đường Thái Tông, phong thái phi thường, sau này là phúc của xã tắc. Sau khi xuất quân, Lý Tuấn không nắm quyền lực thật sự trong quân, mà quyền chỉ huy thuộc về Tín An vương. Đến năm 732, khi Hề và Khiết Đan bại trận, Lý Tuấn được tính có quân công, được phong làm Tư đồ. Sang năm 735, ông được đổi tên thành Lý Dư (李璵).